RSS

Monthly Archives: Tháng Tám 2011

Atosiban giúp cải thiện kết quả IVF

Đây là nghiên cứu RCT đầu tiên cho thấy atosiban (TRACTOCILE®, Ferring) có thể cải thiện kết quả IVF. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy atosiban giúp tăng tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng và làm giảm tỉ lệ sẩy thai. Tác giả kết luận sử dụng atosiban trước chuyển phôi là hiệu quả trong việc chuẩn bị tử cung (priming) cho quá trình làm tổ của phôi.

 

Nhiều nghiên cứu cho thấy hiện tượng co thắt tử cung thường xảy ra trong quá trình chuyển phôi và tần suất co
thắt tử cung tương quan nghịch với tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ có thai của IVF. Co thắt cơ tử cung ở những phụ nữ không mang thai, được gây ra bởi oxytocin có nguồn gốc từ nội mạc tử cung thông qua các thụ thể oxytocin ở màng tế bào. Vì vậy ức chế thụ thể oxytocin làm giảm một cách hiệu quả co thắt cơ tử cung ở những phụ nữ không mang thai. Atosiban – chất đối kháng thụ thể oxytocin và vasopressin V1a – có thể có tác dụng có lợi lên sự tiếp nhận của tử cung và làm tổ nhờ làm giảm co thắt tử cung, tăng tưới máu nội mạc tử cung và cải thiện
trạng thái nội mạc tử cung. Nhằm đánh giá tác dụng “mồi” của atosiban lên tử cung cho việc làm tổ, nhóm bác sĩ từ Đơn Vị Hỗ Trợ Sinh Sản, Bệnh Viện Giáo Dục & Nghiên Cứu mang tên Bs. Zekai Tahir Burak, Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng tiến cứu, ngẫu nhiên, kiểm chứng với placebo trên 180 bệnh nhân được chọn làm thủ thuật ICSI.

Tất cả bệnh nhân được kích thích buồng trứng theo phác đồ chuẩn, dài ngày bằng GnRH agonist và rFSH. Kích thích rụng trứng bằng rhCG và hỗ trợ hoàng thể bằng progesterone dạng gel. Phôi chất lượng tốt được chuyển vào ngày 3. Nhằm đảm bảo tính đồng nhất của mẫu nghiên cứu, những bệnh nhân khó chuyển phôi bị loại trừ khỏi nghiên cứu. Bệnh nhân được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: nhóm điều trị, có sử dụng atosiban (n=90) và nhóm chứng, không sử dụng atosiban (n=90). Nhóm điều trị áp dụng phác đồ sau: Atosiban tiêm tĩnh mạch 6,75mg 30 phút trước khi chuyển phôi, sau đó truyền tĩnh mạch với tốc độ 18mg/giờ; sau khi chuyển phôi xong, atosiban tiếp tục được truyền trong 2 giờ với tốc độ giảm xuống còn 6mg/giờ (tổng liều atosiban được truyền là 37,5mg).

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ làm tổ ở nhóm sử dụng atosiban là 46,7% và 20,4%, cao
hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không sử dụng atosiban (tương ứng là 28,9% and 12,6%, P = 0,01). Tỉ lệ sẩy thai ở nhóm atosiban là 16,7% thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không sử dụng (24,4%, P = ,01). Nghiên cứu được đăng trên số tháng 9/2010, tạp chí RBMOnline.

Dựa trên kết quả này, tác giả kết luận atosiban làm tăng tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai lâm sàng và làm giảm tỉ lệ
sẩy thai. Điều này gợi ý rằng sử dụng atosiban trước và ngay sau chuyển phôi có hiệu quả trong việc “mồi” tử cung cho quá trình làm tổ. Nhờ tác động đặc hiệu lên tử cung và an toàn cho phôi nên atosiban có thể là một hướng điều trị mới trong quy trình chuyển phôi. Tuy nhiên cần có thêm nghiên cứu với cở mẫu lớn hơn để khẳng định những phát hiện của nghiên cứu này.

Được biết atosiban (TRACTOCILE, Ferring) đã có ở Việt Nam với chỉ định chính là giảm co để điều trị cho các
trường hợp dọa sanh non. Atosiban có thể là một lựa chọn hiệu quả cho các đối tượng bệnh nhân IVF phù hợp ở Việt nam.

(Theo Moraloglu et al., Reproductive BioMedicine Online (2010) 21, 338– 343).

ThS. BS. Lê Đình Trọng

Nguồn: http://drdangkhoa.wordpress.com/category/3-thong-tin-c%e1%bb%99ng-d%e1%bb%93ng/art/page/24/

 

Các phương pháp cải tiến để chọn lựa tinh trùng cho ICSI

 

Kỹ thuật tiêm tinh trùng trực tiếp vào trứng trưởng thành (ICSI) đã giúp chúng ta có thể tạo ra hiện tượng thụ tinh, tạo ra phôi thai và tạo cơ hội có thai cho những bệnh nhân thuộc đối tượng kể trên mà chỉ cần 1 tinh trùng duy nhất.

Sự ra đời của kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) năm 1993 là một bước tiến lớn trong việc điều trị vô sinh nguyên nhân do nam. Cho đến lúc đó, những bệnh nhân có quá ít tinh trùng trong một lần xuất tinh (thiểu tinh) hay độ di động của tinh trùng kém (nhược tinh) nằm ngoài chỉ định của bơm tinh trùng vào buồng tử cung và cả thụ tinh trong ống nghiệm, hoặc hoàn toàn không có tinh trùng (không tinh trùng) hầu như không có cơ hội làm cha bằng tinh trùng của mình. Điều này có nghĩa là hầu hết việc điều trị chủ yếu là xin tinh trùng hoặc xin con nuôi.

Tuy nhiên, với ICSI, sự kỳ diệu của khả năng sinh sản đã được chuyển sang đôi tay của các nhà phôi học một cách chính xác theo nghĩa đen. Kỹ thuật tiêm tinh trùng trực tiếp vào trứng trưởng thành đã giúp chúng ta có thể tạo ra hiện tượng thụ tinh, tạo ra phôi thai và tạo cơ hội có thai cho những bệnh nhân thuộc đối tượng kể trên mà chỉ cần 1 tinh trùng duy nhất.

Để tăng khả năng thụ tinh khi làm ICSI, nhất là đối với những bệnh nhân quá ít tinh trùng tốt này, thì việc chọn
lựa tinh trùng có vai trò rất quan trọng. Một báo cáo mới đây của Bologna, Italia gợi ‎ý rằng chất lượng và sự phát triển của phôi trong ICSI có thể được cải thiện nếu tinh trùng được chọn có thể gắn kết với acid hyaluronic (HA), một phân tử được biết là có vai trò trong sự phát triển của tế bào và hiện diện trong chất nền lớp áo ngoài của tế bào. [1] HA bình thường hiện diện trong chất nền ngoại bào bao quanh trứng và “là một hàng rào vững chắc” mà chỉ có các tinh trùng trưởng thành đã bộc lộ thụ thể đặc hiệu có thể gắn kết với HA mới có thể xâm nhập được. Vì vậy, “do HA có chức năng chọn lọc tinh trùng một cách tự nhiên trong quá trình thụ tinh ở người, phương pháp chọn lựa các tinh trùng trưởng thành dựa trên sự gắn kết với HA có thể có hiệu quả.”

Ba nghiên cứu được mô tả trong báo cáo gợi ý rằng các tinh trùng gắn kết với HA có mảnh vỡ DNA giảm một cách có ý nghĩa và các tinh trùng đã gắn kết với HA cho tỉ lệ thụ tinh và chất lượng phôi tốt hơn.

Trong 1 trong số 3 nghiên cứu, 232 ca ICSI được thực hiện trong đó tinh trùng được phân bố ngẫu nhiên vào 2
loại môi trường chuẩn bị khác nhau, một môi trường kinh điển dùng PVP để làm giảm độ di động của tinh trùng và một môi trường chứa HA. Kết quả cho thấy tỉ lệ phôi có chất lượng tốt (grade 1) trong nhóm HA-ICSI cao hơn có ý nghĩa thống kê (35,8%) so với nhóm kinh điển (24,1%). Tỉ lệ mảnh vỡ DNA chỉ là 5,3% trong nhóm tinh trùng gắn kết với HA, nhưng trong mẫu tinh trùng ban đầu không gắn kết thì lên đến 16,5%.

Các hệ thống chọn lựa tinh trùng dựa trên khả năng gắn kết với HA hiện nay đã có sẵn trên thị trường và “cho
phép thực hiện một kỹ thuật ICSI sinh l‎ý hơn” so với phương pháp kinh điển, các nhà nghiên cứu nói.

Báo cáo này chỉ là một trong rất nhiều bước phát triển của ICSI trong vài năm gần đây, như phân tích nhiễm sắc thể và đánh giá hình thái của tinh trùng khi ICSI. Trong một báo cáo năm 2002 ở Israel, Bartoov và cộng sự đã mô tả quy trình chọn lựa tinh trùng bằng cách sử dụng kính hiển vi có độ phóng đại rất cao (độ phóng đại khi làm ICSI kinh điển là 400 lần). [2] Hệ thống đánh giá hình thái thực thể của tinh trùng di động bằng kính hiển vi quang học (MSOME: motile sperm organelle morphology examination) được mô tả bởi Bartoov cho phép phóng đại đến 6300 lần hoặc hơn.

Kỹ thuật ICSI dựa trên MSOME được xem là tiêm tinh trùng đã được chọn lựa hình thái vào bào tương trứng (IMSI: intracytoplasmic morphologically selected sperm injection) chứ không còn là ICSI nữa.

Các phát hiện của Bartoov và cộng sự – trong 100 bệnh nhân được làm ICSI – cho thấy tỉ lệ có thai với ICSI kinh điển có thể bị ảnh hưởng bởi những bất thường hình thái rất tinh tế của nhân tinh trùng, mà các bất thường này có thể vẫn không phát hiện được trong quy trình chọn lựa tinh trùng đang áp dụng hiện nay. Sau khi phân bố ngẫu nhiên vào nhóm ICSI hoặc IMSI, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng tỉ lệ phôi tốt cao hơn
có ý nghĩa thống kê ở nhóm IMSI so với nhóm ICSI kinh điển (45% so với 31%), tỉ lệ làm tổ và có thai sau IMSI cũng cao hơn có ý nghĩa thống kê.

Vào năm 2008, một thử nghiệm lâm sàng tiền cứu ngẫu nhiên ở những bệnh nhân có tiên lượng kém cũng cho thấy IMSI đạt tỉ lệ thai lâm sàng cao hơn so với ICSI kinh điển (39% so với 26%). [3]

Các nhà nghiên cứu phát biểu rằng các bệnh nhân đã điều trị ICSI thất bại ≥ 2 chu kỳ sẽ có lợi nhất khi làm IMSI.

Kết quả này là một tiến bộ to lớn chỉ trong vòng 16 năm qua đối với một người chồng không tinh trùng hoặc tinh
trùng yếu nặng. Hiện nay, báo cáo mới nhất này cho thấy có thể đạt được tỉ lệ có thai ≥ 30% ở những cặp vợ chồng mà gần 2 thập kỉ trước đây cơ hội có thai của họ rất thấp. Tiêm tinh trùng hiện nay là một kỹ thuật thụ tinh có hiệu quả tốt trên thế giới (sử dụng rộng rãi hơn nhiều so với IVF), và với các tiến bộ như thế trong việc chọn lựa tinh trùng theo hình thái (và bởi sự toàn vẹn DNA), các kết quả này dường như là tiền đề sẵn sàng cho các tiến bộ kế tiếp trong hỗ trợ sinh sản.

Tài liệu tham khảo:

  1. Parmegiani L. Cognigni GE, Bernardi S, et al.
    “Physiologic ICSI”: Hyaluronic acid (HA) favors selection of spermatozoa
    without DNA fragmentation and with normal nucleus, resulting in
    improvement of embryo quality. Fertility and Sterility 2009; Advance
    online publication.
  2. Bartoov B, Berkovitz A, Eltes F, et al.
    Real-time fine morphology of motile human sperm cells is associated with
    IVF-ICSI outcome. Journal of Andrology 2002; 23: 1-8.
  3. Antinori M, Licata E, Dani G, et al.
    Intracytoplasmic morphologically selected sperm injection: a prospective
    randomized trial. Reproductive Biomedicine Online 2008; 16: 835-41.

BS Nguyễn Khánh Linh

Nguồn: http://drdangkhoa.wordpress.com/category/3-thong-tin-c%e1%bb%99ng-d%e1%bb%93ng/art/page/13/